top of page

Hãy để mặc nỗi buồn trôi đi...

Writer's picture: Kiên HPKiên HP

Updated: Aug 3, 2021

[ bức thư gửi tôi 36 ]


Vũ trụ sinh ra con người và ban phép cho họ là loài động vật có cảm tính. Và trong những dòng cảm xúc của hỷ-nộ-ai-lạc (*), ta cảm thấy vui buồn lẫn lộn và bị bối rối không biết phải làm sao trước sức nặng từ cảm xúc của mình, đó là hình ảnh của chính chúng ta.


Cái thứ cảm xúc mang tên “cảm xúc lên xuống thất thường” này đôi khi chẳng thèm bận tâm đến lý trí hay suy nghĩ của chúng ta mà cứ âm thầm len lỏi vào ta như thuốc tê. Nó dữ dội như cơn bão, bùng cháy như pháo hoa, và cũng đông cứng lại như một tảng băng vậy. Những cảm xúc này nhuộm cuộc sống của chủ nhân nó bằng nhiều màu sắc đa dạng, vẽ ra một bức tranh phong cảnh khổ rộng, mở đường cho triết học và tư duy sâu sắc đối với cuộc đời. Nhưng thi thoảng, chúng ta không chống lại được nhiệt huyết của mình, khiến tất cả xung quanh bùng cháy và tạo nên một bãi tan hoang tiêu điều. Nếu như vậy, nếu bỗng dưng một ngày nào đó, tất cả mọi thứ trở nên buồn bã thì ta phải làm như thế nào? Khi quá đỗi nhớ thương người ra đi, quá đau buồn vì những thứ đã mất và không thể làm được bất cứ điều gì, chúng ta làm thế nào để gánh vác nổi sức nặng của nỗi buồn ấy?

Nhà phân tâm học Margaret Mahler nói rằng nỗi buồn và khổ đau là cảm xúc đầu tiên phải trải qua sau khi những đứa trẻ nhận ra rằng chúng và mẹ là hai sự tồn tại riêng biệt. Vì vậy, có thể nói nỗi buồn và khổ đau là tín hiệu rõ ràng do bản ngã của những đứa trẻ truyền đến.


Như vậy, năng lực có thể cảm nhận nỗi buồn và năng lực có thể buồn thương là một trong những năng lực tối cần thiết để chúng ta trở nên trưởng thành hơn. Bởi những việc chắc chắn phải buồn nằm rải rác ở khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta. Nếu phủ nhận hay lơ đãng đi chúng, cuối cùng chúng ta sẽ không thể nhìn bản chất cuộc sống đúng như nó vốn có mà chỉ sống một cuộc đời bị những hình ảnh hư cấu bó buộc.


Tôi không thực sự chắc rằng nỗi buồn là tốt hay xấu, là nên có hay không nên có. Tôi chỉ biết rằng nó tồn tại như một lẽ phải. Không biết nỗi buồn xuất hiện từ bao giờ? Nó xuất hiện cùng lúc khi vũ trụ sinh ra con người hay nó xuất hiện hiện sau khi con người chúng ta có sự tương tác với nhau và tác động với thiên nhiên. Nhưng khi đặt ra câu hỏi ấy, tôi tự thiên về giả thuyết số hai hơn. Vì chỉ khi chúng ta không được đáp ứng những mong muốn của bản thân, ta sẽ cảm thấy bị thiếu thốn, cảm thấy nhưng mọi thứ đang chống lại mình, và khi không thể làm gì khác hơn nữa, ta buồn nhưng một lẽ tất nhiên chỉ để lấp đi sự thiếu thốn ấy của mình.


Sẽ thế nào nếu nỗi buồn không còn tồn tại trên thế giới này. Cái gì đủ ý nghĩa để thay thế cho nó? Bạn chọn vô cảm, hay sự phẫn nộ với cuộc đời? Buồn là thứ gì đó xuất hiện khi ta cảm thấy không vui, không hài lòng với những gì cuộc sống mang lại cho mình. Nếu thay vào đó là vô cảm, hay sự phẫn nộ, lúc ấy có phải chúng ta trở thành những kẻ hung hãn bất lực để tồn tại? Vậy thì bạn chọn nỗi buồn hay vô cảm và sự phẫn nộ?


Cách để chống lại nỗi buồn bắt đầu từ việc cảm nhận nỗi buồn đúng như những gì nó có và chấp nhận nó. Nỗi buồn sẽ trôi đi giống như một dòng sông. Chính vì thế mà nỗi buồn cũng sẽ phải thuận theo quy tắc dòng chảy của thời gian, giống như việc không một ai có thể ngăn cản được dòng chảy thời gian hay ngăn được dòng chảy của nước sông, không một ai có thể cản được cảm xúc của nỗi buồn. Nỗi buồn không tạo ra để ta chiến thắng chúng. Nó được xem là điều kiện của cuộc sống mà chúng ta phải để cho nó trôi đi sau khi dùng cả cơ thể để hứng chịu.


Nỗi buồn không lưu lại, ngay cả khi trông có vẻ như nó sẽ không bao giờ biến mất, nỗi buồn vẫn đang trôi đi từng chút một. Có lẽ, thứ lưu lại không phải là nỗi buồn, mà chính là bản ngã của chúng ta, khi không thể buông bỏ những thứ đáng ra phải buông bỏ, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục vương vấn trong nỗi buồn. Điều đó cũng giống như tâm thế thà sống trong nỗi buồn còn hơn phải thừa nhận những gì đã mất. Lý do là bởi ở trong nỗi buồn, ít nhất ta có thể đòi hỏi, khóc lóc và chờ đợi rằng nó sẽ quay trở lại.


Tuy nhiên cũng giống như sau cơn mưa, bầu trời trở nên sáng hơn, thế gian trở nên rõ ràng hơn, nếu để cho nỗi buồn trôi đi, chúng ta sẽ có được sự bình yên và thấu hiểu sâu sắc với cuộc đời. Như đã nói, nỗi buồn là một sự tồn tại thiếu yếu không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của chúng ta. Vì vậy khi nỗi buồn tìm đến, hãy cứ buồn cho thỏa. Xong xuôi, hãy buông nỗi buồn ấy ra. Được như vậy, bạn sẽ nhận được những món quà do nỗi buồn để lại. Món quà ấy chính là ký ức sống vĩnh viễn bên trong trái tim chúng ta, cách để trân trong những ký ức ấy, cách chia sẻ cho nhau những nỗi buồn, cách yêu lấy con người và cuộc sống, cùng sự thông cảm và thấu suốt sâu sắc với cuộc đời.


Và cuối cùng, nỗi buồn là một nốt nhạc trầm của thanh âm cuộc sống. Chúng ta sẽ phải đều đồng ý rằng “nỗi buồn nên được tồn tại”, nhưng… đừng để nó là nốt trầm nổi bật, đừng để cuộc sống của chúng ta trở thành bản hòa âm thiếu sức sống. Chúng ta đang dần trở nên hiện đại hơn rất nhiều đối với những cảm xúc của mình. Vì thế, đó sẽ là một ưu thế lớn để nỗi buồn trở thành cơ hội cho chúng ta tốt hơn, và tôi xin được nhắc lại một lần nữa...


khi nỗi buồn tìm đến, hãy cứ buồn cho thỏa. Xong xuôi, hãy buông nỗi buồn ấy ra. Được như vậy, bạn sẽ nhận được những món quà do nỗi buồn để lại. Món quà ấy chính là ký ức sống vĩnh viễn bên trong trái tim chúng ta, cách để trân trong những ký ức ấy, cách chia sẻ cho nhau những nỗi buồn, cách yêu lấy con người và cuộc sống, cùng sự cảm thông và thấu suốt sâu sắc với cuộc đời



(*) Hỷ – mừng, Nộ – giận, Ai – buồn, Lạc – vui.


1 comment

Recent Posts

See All

1 Comment


Hồng Nhân
Hồng Nhân
Jul 14, 2021


Like

Cám ơn cậu <3

About Me

IMG_4889_edited_edited.png

Viết để hiểu mình !

  • Facebook
  • Instagram
  • YouTube
  • LinkedIn

Bài viết gần đây

Contact !

Cám ơn đã quan tâm <3

Bài viết này thế nàoDở quá Bình thườngĐược áHay nha10 Điểm cô khen !Bài viết này thế nào

© 2021 by Kiên HP created with Wix.com

bottom of page