[ bức thư gửi tôi 33 ]
Dạo gần đây tôi không ngừng nghĩ về những điều có thể xảy ra trong quá khứ, tại sao khi đó tôi không chọn một lối đi khác, một con đường khác. Hai chữ “nếu như” cứ hiện lên với những suy nghĩ về kết quả có thể có ở quá khứ và tương lai. Ngày trước tôi có xem chương trình đường lên đỉnh Olympia, có một bạn thí sinh đã hỏi một giáo sư sử học đang ngồi ở khán đài rằng: “nếu như ngày xưa Bác không lên con tàu đó là phụ bếp thì liệu rằng con đường giải phóng dân tộc của bác có giống những gì đã xảy ra không?” Câu hỏi ấy được hỏi trước vô vàn những ánh mắt ngờ vực từ phí mọi người, thậm chí tôi còn thấy MC khi đó là MC Tùng Chi cũng đã dùng ánh mắt chế nhạo khi câu hỏi ấy được nói ra…
![](https://static.wixstatic.com/media/9d3045_bbcd77d8c571476e89ceca9ce20443c7~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_653,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/9d3045_bbcd77d8c571476e89ceca9ce20443c7~mv2.jpg)
“Nếu như” ngày xưa tôi không điền tên ngôi trường tôi đang học ở hiện tại vào nguyện vọng một mà là ngôi trường mà ngày ấy tôi ước mong nhất thì không biết là bây giờ tôi đã tốt hơn hay không?
“Nếu như” ngày trước tôi không gặp các bạn, tôi không nhiệt tình đến thế, không vun đắp sau những vụn vỡ của quá khứ thì không biết bây giờ tôi và các cậu có thể thoải mái nói chuyện được hay không?
![](https://static.wixstatic.com/media/9d3045_c55250b37fcb4219a106bd41dccdfbf2~mv2.png/v1/fill/w_418,h_279,al_c,q_85,enc_auto/9d3045_c55250b37fcb4219a106bd41dccdfbf2~mv2.png)
“Nếu như” ở hành lang ấy tôi không chộp dạ táy máy quay trở lại, tôi không dùng chút thương hại cuối cùng ấy gieo cho em chút hy vọng mong manh thì có lẽ chúng ta không còn gặp nhau thêm một lần nữa để rồi sau đó phải chấp nhận chia xa như một điều tất yếu của hai chữ “không hợp”
“Nếu như” tôi lỡ biến mất, nếu như ai đó chia xa, nếu như tôi trở nên khó tính hơn… và rất nhiều chữ “nếu như” khác
Hai chữ nếu như giống một cách để chúng ta níu lấy những thay đổi có thể xảy ra trong quá khứ. Hai từ nếu như là chẳng đủ để bản thân chấp nhận những điều đã xảy ra ở hiện tại, chúng ta luôn mong muốn những nhu cầu về một kết quả khác mà chưa chắc rằng kết quả ấy nếu xảy ra liệu có tốt hơn.
Con người chúng ta luôn có bản tính tò mò và thích vọc vạch, những kết quả mới lại thường làm chúng ta không ngừng háo hức và chờ đợi chúng. Kể từ khi còn bé chúng ta đã chán chườm với những món đồ chơi mà ta chơi hằng ngày, để giải quyết ta lại biến đổi chúng thành một thứ gì đó khác, ta xé nó ra, lắp ghép chúng với những món đồ khác. Như vậy cũng được coi là một dạng khác của “nếu như”. Để rồi khi lớn lên, với những chông chênh khó khăn của cuộc đời, thay vì nếu như với những món đồ chơi, ta lại nếu như với những thứ đã xảy ra với mình.
Thử một ngày nào đó tự dưng thế giới này biến mất đi hai chữ nếu như. Chắc là chúng ta sẽ buồn lắm, vì khi ấy chẳng còn những ngã rẽ mới lạ, chẳng còn những kết quả mở, chúng ta phần nào đó sẽ nói chuyện như những cái máy, nói hết chuyện của hiện tại rồi lại thôi. Còn chuyện của tương lai và quá khứ khi không còn nếu như, chúng sẽ trở thành một câu khẳng định, câu quá khứ đơn hay đại loại một câu chuyện nào đó mà nó phải là chính xác từ milimet. Thế thì chẳng phải là rất chán hay sao? chẳng may tôi không có khiếu nói chuyện phong phú, chỉ dựa vào những câu chuyện của quá khứ và tương lai rồi xào nấu lại chúng, khi không còn hai chữ nếu như trong câu chuyện… than ôi, tôi của lúc ấy trông thật nhạt nhẽo…
Nếu như vẫn chỉ mãi là nếu như, hai chữ ấy chúng ta nói ra chỉ để thỏa mãn những khát khao thay đổi điều gì đó đã xảy ra hoặc mong muốn có ở tương lai mà thôi. Không có nếu như thì kết quả ở hiện tại vẫn thế. Nhưng chúng lại mang cho chúng ta một cảm giác về một thế giới thật nhiều màu sắc phải không? Nếu như thế này, nếu như thế nọ,... bằng cách nào đó chúng giúp ta có thêm niềm tin, có thêm lối thoát trong suy nghĩ bế tắc… Tôi không mong mỏi hai chữ nếu như trở thành sự thật, vì nó chỉ nên dừng lại ở nếu như mà thôi. Nếu những gì ta muốn được luôn thành hiện thực, chẳng phải cuộc đời đã được in sẵn hay sao? muốn gì được đó, chẳng phải chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận mọi thứ hay sao? Như thế sẽ mất đi động lực để thay đổi, ta sẽ chỉ phải nằm đó chờ mọi thứ đến với mình mà quên đi trong quá trình nỗ lực, mình đã nhận được nhiều hơn một kết quả, đó mới là thứ ta mong muốn. “Nếu như” chỉ nên dừng lại là những mong muốn, ta chỉ nên coi đó là suy nghĩ mà thôi, rồi từ đó tạo cho mình những động lực thay đổi ở hiện tại.
… Quay trở lại với chuyện nếu như Bác không lên con tàu đó làm phụ bếp. Ông giáo sư đã trả lời tôi một cách rất hay đó là: “đã là lịch sử thì không có hai chữ nếu như, tuy nhiên giả sử có trong trường hợp của Bác thì con đường giải phóng dân tộc của bác vẫn không thay đổi. Dù không phải là phụ bếp trên con tàu ấy, nhưng bằng với ý chí của mình, dù là bất kì con đường nào, phương tiện nào, dù sớm dù muộn, bác vẫn sẽ thành công với lý tưởng vĩ đại của mình mà thôi”
Dù có như thế nào, nếu như có thể trở thành hiện thực, chỉ cần lý tưởng và hành động của chúng ta theo những tôn chỉ của chính mình thì kết quả cuối cùng vẫn là điều mà ta đang hướng tới. Hai chữ nếu như lúc này suy cho cùng cũng chỉ là những ngã rẽ khác, một phương tiện khác mà thôi.
Comments