[ bức thư gửi tôi 28 ]
Vậy là cũng sắp gần 3 năm rồi mình lên thành phố học và ở, Sài Gòn có những con đường tấp nập nối nhau, và tôi... ngày ngày chạy xe qua những cung đường đó và thấy những con người ở dưới tán cây, họ làm những công việc của mình. Họ đứng ở dưới tán cây đó, ở con đường đó trông thật bền bỉ và nhẫn lại. Những cô chú bán hàng rong quen thuộc, dù nắng dù mưa vẫn thế, vẫn bám đường, bám cây, tô điểm thêm cho cái thành phố nhộn nhịp này một nốt trầm sâu lắng. Chúng ta có thể gặp họ ở bất kì đâu trong thành phố, không biết từ bao giờ, từ lúc tôi xuất hiện ở thành phố đã thấy họ. Dưới những tán cây màu xanh, cần mẫn và kiên trì.
![](https://static.wixstatic.com/media/9d3045_497ef2350adb4053a6284996551a18c5~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_653,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/9d3045_497ef2350adb4053a6284996551a18c5~mv2.jpg)
Có điều tôi chưa bao giờ hỏi họ tên gì? cũng chưa bao giờ trò chuyện với họ, chỉ ngày ngày đi qua, đưa mắt nhìn như thể kiểm chứng cho sự tồn tại vốn có. Tưởng như khi đưa mắt qua mà không còn thấy hình bóng ấy, chắc Sài Gòn như mất đi một nửa linh hồn. Có cô bán sách ở đường Thành Thái, cô bán vào mỗi tối, trưng ra biết bao nhiêu đầu sách, có khi ngồi đó, có khi lại đi đi lại, lặng lẽ ở một góc phố với một ánh đèn sáng một góc đường. Có cô bán chè ở đầu ngõ nhà tôi, mặt cô lúc nào trông cũng buồn ngủ, có lần tôi xuýt phì cười vì điều ấy. Cô bán từ chiều cho tới khi nào hết mấy nồi chè thì thôi, có khi tới tối khuya mới nghỉ. Cô hay lắm, mặc dù tôi là vị khách trung thành của cô vậy mà chẳng một lần cô nhớ đầy đủ công thức ly chè của tôi, “Cô ơi cho con ly đậu đen lớn, đầy đủ, ít đá nha cô!”, giận vu vơ cô ghê (tôi nói trong bụng như vậy). Khi thì cô lại hỏi là, có bỏ nước dừa không con? nhiều đá hả con? thật là một sự ngô nghê ngọt ngào…
Cái nóng của Sài Gòn coi thế mà cũng chẳng bằng cái nóng của giải đất duyên hải nam trung bộ. Tôi nhớ có lần ở Đồi Cát Bay, Phan Thiết, ánh nắng mặt trời bỏng da như thể muốn đốt cháy tất cả những những chúng chiếu qua. Có hai cô bán bánh bột lọc vẫn ngồi đó dưới tán cây phi lao thưa thớt lá. Xung quanh chỉ toàn là cát, màu vàng như chiếm hết tất cả những gì mắt có thể thấy, những đốm xanh lá cây le lói hiếm hoi cũng chẳng đủ làm mát lòng những con người chưa quen với thời tiết này. Hai cô vẫn ngồi đó, kiên trì với công việc của mình, như thể chờ đợi một điều gì đó khấm khá hơn. Tán cây phi lao gồng mình tránh cát tránh nóng, che chở cho hai cô, che chở luôn những đứa con sứ Phan ở mảnh đất khắc nghiệt này. Ngồi đó ăn chiếc bánh và được thưởng cho những câu chuyện về thuở lập ấp sinh dân. Tán cây như người chứng kiến chân thành.
Quê hương tôi gồng lưng với nương rẫy, chung sống với những loại cây công nghiệp, cà phê cao su, hồ tiêu… và chắc cũng chỉ người Tây Nguyên mới yêu cái màu xanh của cây công nghiệp ấy… Tôi không nhớ biết bao nhiêu lần, dưới những tán cây, tôi nghe rất nhiều về những ước mơ, những mong muốn của người lớn về một tương lai tốt đẹp, về những đủ đầy sau này, và họ coi những tán cây như niềm hy vọng lớn lao, như những giá trị có thể đánh đổi bằng sự sung túc khác. Những đứa trẻ ở đây khi lớn lên, coi đó nhưng một niềm tự hào, vì điều tự hào đó đã nuôi sống những đứa trẻ ấy, vun đắp cho đủ đầy. Những tán cây khi này không còn là những tán cây mang giá trị vật chất mà chúng còn song hành một giá trị chỉ dẫn, một tây nguyên gắn với cây công nghiệp chung.
Xa xa hơn về phía bắc, nơi văn hóa Việt Nam thật đậm vị, cụ thể là văn hóa đình đền, cổng làng, cây đa… tôi nhớ về kí ức xa xưa, khi còn là đứa nhóc, theo chân cha mẹ về quê cha đất tổ, những buổi trưa trưa nắng hè mấy đứa nhóc như tôi quây quây ở gốc đa đầu làng. Các bạn thử nhắm mắt lại, tưởng tượng về những điều sau đây nhé: chúng tôi, những đứa nhóc nằm dưới gốc đa cười khoái chí, nghe mùi gió hiu hiu đưa mùi lúa từ đồng nội, trên trời có màu xanh lơ, trộn với xanh lá cây của lúa về phía chân trời, nắng vàng như rót vào vai ai, bên đó có mấy cô nghỉ trưa, lâu lâu đôi ba câu hát, câu hò về quê hương, lâu lâu lại nghe về những bộn bề của cuộc sống… các bạn tưởng tượng ra chưa? nghe có giống như một bức tranh quê hương đậm vị? Cây đa như những người dẫn chuyện của lịch sử, lắng nghe, và thuật lại qua thời gian, qua những dấu tích chứng kiến. Cây đa ở miền bắc như một lão ông, là nơi tình thần của dân làng được duy trì, là nơi mà họ gặp mặt và duy trì một văn hóa Việt.
Tôi đã từng có cho mình một vườn cây nho nhỏ, Những chiếc cây khi bình thường là những chiếc cây nhỏ bé và vô vị, nhưng khi cần một cảm giác bình yên, chúng như hóa thành sức sống, hóa thành niềm vui mỗi khi ta tìm về. Và cứ thế, trải qua biết bao nhiêu tán cây, đi nhiều rồi mới thấy dù trong bất kì hành trình nào, dù là núi sông, ngọn cỏ, những cung đường bị mịt mù hay những tán cây là thứ mà chúng ta cảm thấy rõ ràng nhất bởi vì trước khi tìm hiểu một vùng đất nào đó thì những điều hiện hữu kia là thứ mà chúng ta cảm nhận đầu tiên. Và sẽ như thế nào? nếu những tán cây kia không còn tồn tại? Sẽ rất khó để trả lời phải không…
Nếu những tán cây ấy không tồn tại, thì đâu đó sẽ xuất hiện một điều gì đó khác, giữ lấy vai trò của những tán cây và chúng ta lại trân trọng điều xuất hiện mới đó. Nhưng sẽ không bao giờ tạo hóa lại tạo ra một điều gì đó thay thế những tán cây nữa đâu, vì ở thực tại những tán cây đã là phần lớn cuộc sống của biết bao nhiêu con người, tán cây không chỉ để che nắng mà dần trở thành nếp sống riêng…
Ở Hóc Môn, quê tui, con đường nhà tui...không một tán cây :((((